Từ xưa đến nay, trang trí bàn thờ ngày tết đã trở thành một phong tục không thể thiếu của người Việt mỗi dịp tết đến xuân về. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để trang trí đơn giản mà vẫn đẹp và trang nghiêm. Cùng Sapo tham khảo cách trang trí bàn thờ và những điều cần kiêng kỵ trong bài viết dưới đây nhé.
1. 1. Ý nghĩa của việc trang trí bàn thờ ngày tết
Theo quan niệm của người Việt Nam là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, do đó việc thờ cúng hay trang trí bàn thờ ngày tết rất được người dân chú trọng. Đặc biệt, đối với những người làm ăn kinh doanh thì việc trang trí bàn thờ ngày tết sao cho thật đẹp và trang nghiêm có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng.
Họ luôn tâm niệm rằng muốn làm ăn phát đạt và có một năm đầy tài lộc thì nên cung kính thành tâm, dâng cúng các lễ vật thật đẹp, trang trí bàn thờ thật lộng lẫy, trang nghiêm. Ngoài ra, việc làm này còn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên vì công lao sinh thành dưỡng dục.
2. 2. Thời điểm nên trang trí bàn thờ ngày tết
Việc trang trí bàn thờ ngày Tết sẽ phụ thuộc vào thời gian của gia chủ nên vì vậy sẽ không có ngày cố định để mọi người trang trí bàn thờ ngàt Tết. Tuy nhiên, các gia đình Việt vẫn thường lau dọn sạch sẽ và trang trí bàn thờ gia tiên từ khoảng 25 đến 29 tháng Chạp. Đặc biệt là các hộ kinh doanh, ngày Tết thường bận bịu với hàng hoá nên thời gian trang trí bàn thờ ngày Tết sẽ diễn ra muộn hơn.
3. 3. Trang trí bàn thờ ngày tết cần những gì?
3.1 Mâm ngũ quả ngày tết
Mâm ngũ quả ngày tết ở mỗi vùng miền được trang trí khác nhau nhưng về cơ bản sẽ gồm có 5 loại quả phối theo 5 màu: trắng, xanh, đen, đỏ, vàng tương ứng với 5 hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Mỗi loại quả sẽ mang một ý nghĩa tượng trưng như sau:
- Chuối xanh: tượng trưng cho sự sum vầy, quây quần, đầm ấm của các thành viên trong gia đình ngày tết.
- Phật thủ: tượng trưng cho bàn tay Phật, thể hiện sự che chở, bảo vệ.
- Bưởi: tượng trưng cho sự an khang, thịnh vượng.
- Thanh long: tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc.
- Cam, quýt, quất: tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt trong sự nghiệp.
- Lựu: tượng trưng cho mong muốn con đàn, cháu đống.
- Dưa hấu: tượng trưng cho sự ngọt ngào, may mắn.
- Sung: tượng trưng cho sự sung túc, sức khỏe, tiền bạc dồi dào.
Dưới đây là hình ảnh mâm ngũ quả ngày tết của 3 miền mà bạn có thể tham khảo:
3.2 Đồ để trang trí bàn thờ
Một số đồ vật chắc chắn sẽ không thể thiếu trên bàn thờ ngày tết như lọ hoa, chén nước, nến, đèn dầu, đèn thờ. Hoa ở đây có thể là hoa cúc, hoa hồng, hoặc hoa ly. Ngoài ra, bạn có thể trang trí bàn thờ thêm với hoa đào, hoa mai. Đây là những đồ vật cơ bản, và mỗi gia đình có thể có cách trang trí khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý sắp xếp các đồ vật sao cho thật hợp lý để còn có không gian bày biện những thứ khác nữa.
3.3 Mâm cơm cúng gia tiên
Mâm cơm cúng gia tiên cũng là một phần không thể thiếu trong ngày tết. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng vào ngày 30 và ba ngày tết để mời gia tiên về đoàn tụ cùng con cháu. Mâm cơm chính là biểu tượng của sự sum vầy, ấm cúng và no đủ. Không có quy định nào về việc chuẩn bị một mâm cơm cúng ngày tết nhưng về cơ bản sẽ gồm có các món ăn truyền thống như canh măng, giò lụa, giò chả, thịt gà, bánh chưng, xôi,… và một bộ gồm 6 bát và 6 đôi đũa.
4. 4. Cách trang trí bàn thờ ngày tết
Dẫu rằng ai cũng biết ngày tết là phải lau dọn sạch sẽ và chuẩn bị những đồ vật như trên nhưng bạn đã biết cách trang trí bàn thờ ngày tết sao cho thật đẹp mắt chưa?
Đầu tiên là các bát hương gia tiên sẽ được đặt chính giữa, bên trong sẽ cắm một cây trụ để treo hương vòng.
Tiếp đến là đặt hai cây đèn thờ được đặt 2 bên phía bát hương để tạo nên sự lung linh và uy nghiêm.
Hai lọ hoa tươi sẽ được đặt hai bên góc bàn thờ, và tùy vào kích thước của bàn thờ mà bạn nên bày lọ hoa to hay nhỏ.
Lễ vật đồ thờ gồm: mâm ngũ quả, nến, chén nước, rượu, bánh kẹo, tiền vàng,… sẽ được đặt vào xung quanh sao cho thật hợp lí và đẹp mắt là được.
Cùng tham khảo một số hình ảnh trang trí bàn thờ ngày tết dưới đây:
5. 5. Những điều cần kiêng kỵ khi trang trí bàn thờ ngày tết
Khi lau dọn và trang trí bàn thờ ngày tết, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:
Người lau dọn bàn thờ: Trước khi lau dọn bàn thờ, bạn phải tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo dài thật trang nghiêm.
Khăn lau bàn thờ: Bạn phải dùng khăn mới và thật sạch để lau dọn bàn thờ vì bàn thờ là một nơi rất trang nghiêm và thiêng liêng, do đó, bạn không thể dùng những loại khăn đã sử dụng như khăn mặt hay khăn lau bàn, lau bát để lau bàn thờ. Khi vệ sinh bát hương hay các đồ thờ, bạn cũng cần phải đun nước ngũ vị hương lên để lau rửa.
Vị trí bát hương: Phải đặt các đồ thờ cúng đúng vị trí, kiêng không nên xê dịch. Về mặt tâm linh, chúng ta nên đặt bát hương đúng chính giữa, ngay ngắn, xoay mặt bát hương ra ngoài. Nếu để lệch hoặc thường xuyên xê dịch bát hương có thể sẽ làm ảnh hưởng đến vong linh người đã mất.
Chọn lọ hoa: Bạn nên chọn lọ hoa bằng sứ, chọn những loại hoa tươi, thật đẹp và sáng, không nên chọn hoa héo, nát, hoặc đã nở rộ vì sẽ không thể thờ được lâu.
Các đồ vật dâng lễ: Các đồ dâng lên lễ phải là đồ tươi, mới và đầy đủ. Khi dâng lễ bạn nên đặt theo số lẻ, không được đặt số chẵn.
Trên đây là cách trang trí bàn thờ ngày tết sao cho thật đẹp, trang nghiêm, và một số điều cần kiêng kỵ mà bạn có thể tham khảo để chuẩn bị cho bàn thờ tết nhà mình. Chúc các bạn sẽ có một cái tết thật ấm cúng và hạnh phúc bên gia đình và người thân. Hãy theo dõi Sapo.vn để biết thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!